Làm gì khi bị đỉa hút máu? Bị con vắt cắn?

(Kiến Thức Mẹo Vặt) –  Đỉa và vắt có cùng 1 tổ tiên. Nhưng trong quá trình tìm kiếm thức ăn, có thể do môi trường sống và thức ăn có sự khác biệt, chúng tiến hóa để phù hợp với môi trường và thức ăn ưa thích của chúng. Con vắt sống trên rừng, hút máu động vật ở cạn. Còn đỉa lại sống ở chỗ nước ko quá mạnh, hút máu cá, ếch nhái và các loài động vật khác rơi xuống nước. 

I. CON ĐỈA

Làm gì khi bị đỉa hút máu?

Đỉa là một sinh vật sống dưới nước thuộc ngành giun đốt. Nó có thân mềm và nhầy phù hợp với việc bơi lội trong nước.

Thức ăn của chúng là các phiêu sinh phù du trong nước và trên lá cây. Đỉa hút máu để chuyển hoá thức ăn trong cơ thể. Miệng đỉa có giác hút để châm vào con mồi và hút máu. Khi hút máu của người và động vật, nó phải no máu thì mới nhả ra và khi này chỗ miệng đỉa cắn vào da thì máu vẫn chảy tiếp tục do có chất chống đông máu do đỉa tiết ra (chất hirudin).

Bình thường, các bà, các cô khi làm việc tại những nơi có nhiều đỉa thường mặc quần áo có tác dụng phòng đỉa cắn như xà cạp tay, xà cạp chân. Nếu bị đỉa cắn rồi, do không có các loại có tác dụng làm đỉa nhanh nhả vết hút máu thì có thể dùng nước bọt (nhổ nước bọt vào mu bàn tay của mình – càng nhiều càng tốt) chà lên chỗ đỉa đang bám thì đỉa sẽ nhả ra ngay và nước bọt cũng có tác dụng cầm máu.

Nếu các bà, các chị ăn trầu thì có thể sử dụng vôi bôi vào chỗ đỉa hút máu thì đỉa cũng nhả ra. Tuy nhiên, khi biết rõ vùng làm việc có nhiều đỉa thì em có thể dùng vôi giã với lá trầu không và bồ hóng gói vào một túi, khi bị đỉa cắn dùng túi đánh vào con đỉa một nhát nó bị say và nhả cắn ngay (đỉa có thể bị chết nếu dùng đặc và mạnh).

Để cầm máu có thể dùng miếng dán (uhgo) hoặc nếu không có sẵn thì có thể dùng nước bọt dán lá nón vào miệng đỉa cắn thì sẽ cầm máu. Để đề phòng nhiễm trùng vết cắn, em có thể lau sạch vết cắn và rửa bằng nước muối loãng. 

Ngoài ra, trong dân gian còn có một số cách như dùng lá cỏ lào vò nát đắp vào miệng vết cắn sẽ giúp cầm máu và đỡ ngứa (có thể hái lá và cành non cỏ lào, cỏ tàu bay vò nát, xát vào da từ đầu gối xuống đến khắp bàn chân trước khi lội xuống ruộng có tác dụng làm cho đỉa sợ không dám cắn nữa)

Cách phòng chống đỉa:

– Trang phục: Đỉa không thể bò được trên vải len hay nilong quá 10 cm. Những chiếc quần len làm cho những con đỉa không thể di chuyển trên đó vì sợi len cản trở làm nó khô nhớt và tự rơi xuống. Nên chọn là áo len mỏng dài tay mặc ngoài, bên trong là một cái áo thun. Tất phải chọn loại tất cao cổ, quấn gọn ống quần lại hoặc cho ống quần vào bên trong tất cũng được.Tránh để hở vùng cổ, tai là những điểm ấm trên cơ thể rất dễ bị đỉa chui vào cắn. Chú ý phát hiện những con đỉa bò trên quần, áo để búng đi ngay vì chúng sẽ chui vào người qua thắt lưng, nẹp áo của bạn.

– Đi lại: Những chỗ ẩm ướt, ruộng lúa,… luôn có nhiều đĩa vì vậy hãy chọn những chỗ khô ráo mà đi. Không ngồi nghỉ nơi rậm rạp, trên mặt đất, lá mục. Không đứng, ngồi lâu tại khu vực nhiều đĩa. Nên chọn chỗ thoáng và mỏm đá để ngồi. Xua đuổi đĩa khỏi một khu vực bằng cách quét hết lá mục, xịt thuốc muỗi, hoặc rắc muối lên mặt đất, đốt lửa-xông khói.

II. CON VẮT

Vắt có mấy loại?

Vắt là con vật giống như con giun nhỏ, dài 2-5cm, có giác bám ở đầu và đuôi. Chúng di chuyển bằng cách “co đi, co lại” thân mình với 33 đốt sống.

Vắt có 2 loại:

  • Vắt đất có màu nâu vàng sống sát đất, bò lổm ngổm nơi rừng ẩm ướt.
  • Vắt xanh có màu vàng nâu và lưng màu xanh thì lại hay mai phục trên cành cây.

Trong hai loại này thì Vắt xanh đáng sợ hơn cả vì tầm phục kích rộng, hay cắn vào những chỗ khó phòng như cổ, thắt lưng, lưng, bụng… Hơn nữa, Vắt xanh cắn làm máu cực khó cầm và khi lành bao giờ cũng để lại một vết đen nơi nó cắn.

Vắt có thể đánh hơi và cảm nhận được tiếng động (như nó nghe thấy mình vậy). Khi cắn người bao giờ nó cũng bám và bò đến nơi yên tĩnh không bị quần áo cọ quẹt hoặc nơi có da non sẽ tiến hành hút máu. Những chỗ da mỏng như kẽ ngón chân, đùi, háng, cổ, bụng, lưng và đôi khi là cổ, sau tai là những chỗ ưa thích của vắt.

Vắt kém chịu lạnh, chỉ thích hợp ở nhiệt độ 24-280C. Khi hút máu, vắt bơm một chất chống đông máu là hirudin vào cơ thể con mồi và có thể hút một lượng máu lớn gấp… tám-mười lần trọng lượng cơ thể. Trung bình phải mất đến 20-60p vắt mới hút được no máu và nhả con mồi. Vắt bám vào da khá chặt, với lực hút của giác bám lên tới trung bình ~150-250gr, làm chúng ta khó mà vẩy nó ra khỏi tay.

Vắt thường đi tìm mồi từ 5-8 giờ sáng hoặc từ 17-19 giờ tối. Thường sau cơn mưa, vắt bủa ra rất nhiều tìm mồi vì nền nhiệt môi trường giảm, vắt dễ phát hiện con mồi máu nóng hơn. Vắt thường chọn nơi có nhiệt độ cao hơn trên cơ thể người như phần sau gối, đùi, bẹn, lưng, nách, cổ…để hút máu. Vắt có khả năng leo trèo trên giày, quần áo để tìm những nơi không bôi thuốc và nơi có thể chui vào cơ thể người. Nhiều bạn tôi nói vắt có thể nhảy từ trên cây xuống đầu. Nhiều lần tôi đã bị chúng bám được vào cổ mà không biết từ đâu (!).

Khi bám vào da vắt chưa cắn và hút máu ngay. Phải mất khoảng 1 phút chúng mới cắn được và sau khoảng 2-3p chúng mới hút được máu. Đa số trường hợp khi vắt bắt đầu cắn ta sẽ cảm thấy ngứa. Sau đó khi chúng tiết ra chất hirudin chống đông máu thì hầu như hết ngứa, chỉ còn lại cảm giác hơi gai. Nếu bạn bỏ qua giai đoạn ngứa (2-3 p đầu) mà không tìm bắt thì vắt sẽ bắt đầu hút máu. Ở giai đoạn này, bạn có bắt được vắt ra thì máu sẽ vẫn cứ chảy thêm 10-15p nữa.

Vắt tuy xấu xí nhưng có tác dụng chữa bệnh và được dùng để trị bệnh hơn 2000 năm. Các hoạt chất tiết ra từ vắt có nhiều tác dụng tốt cho hệ tuần hoàn. Vắt và đỉa chữa bệnh hiện tại được rao bán 8USD/con, chưa kể tiền gửi (!)

Làm gì khi bị Vắt cắn?

1. Cách xử lý khi vắt cắn:

– Phát hiện ngay sau khi bị vắt cắt, thường là bạn sẽ có cảm giác nhói, ngứa, hơi lạnh ngay sau khi vắt cắn vào, lúc này bạn hãy giật con vắt ra ngay lập tức, máu sẽ chưa bị nhảy nhiều.

– Nếu khi bạn phát hiện ra, vắt đã no nê, to tròn, các bạn nhớ tuyệt đối không được vội vàng dứt ra ngay cho dù trong nó có đáng sợ hay bạn có giật mình đến cỡ nào, vì như vậy sẽ làm vết thương bạn bị chảy máu hoặc bị rách ra lớn hơn, nhiều trường hợp giật mạnh làm đứt vòi của vắt sẽ vẫn cắm lại trên vết thương của bạn và sau đó bạn sẽ phải mất côg ngồi gắp ra nếu không muốn bị nhiệm trùng.

– Nếu bị vắt cắt bạn nên:

  • Bình tĩnh dùng đầu ngón tay miết sát da và gạt đầu nhỏ (đầu hút máu) của vắt, sau đó gạt tiếp đầu kia của vắt, rồi vẩy nó đi trước khi nó bám lại vào ngón tay bạn.
  • Có một cách của người dẫn tộc khi đi rừng đó là họ mang theo muối. Khi bị vắt cắn, bạn chỉ việc lấy muối xoa vào chỗ con vắt,nó sẽ co rúm người lại và nhả ra, đồng thời muối cũng có tác dụng sát trùng vết thương cho bạn

2. Cách xử lý vết thương sau khi bị vắt cắn:

  • Lấy ra sẵn một miếng băng dính
  • Rửa vết thương
  • Dùng ngón cái ấn vào miệng vết thương cho máu tạm ngưng chảy
  • Dính băng vào vết cắn
  • Sau 15p kiểm tra vết thương, nếu cần thay băng mới.
  • Thuốc chống vắt: Thuốc chống vắt dân gian ta hay dùng là thuốc chống ghẻ DEEP, mua vào xoa là có thể ngăn được vắt bám. Thứ thuốc này dễ mua, rẻ, bán rất nhiều ở các hiệu thuốc.

Ở VN có REPEL là hàng được nhiều người biết dùng và được đánh giá là tốt.Thuốc chuyên chống các loại công trùng cắn, đốt bảo vệ hiệu quả lâu dài khỏi các các loại côn trùng như: ruồi, muỗi, bọ chét, rận, rệp, vắt, các loại côn trùng có cánh khác… Khi bôi thuốc REPEL có tác dụng từ 8-10 giờ liên tục. Tuy nhiên nếu bạn lội suối thì khi lên khỏi suối phải bôi lại chỗ ngập nước vì thuốc đã tan theo nước. REPEL bán có nhiều loại: kem, giấy lau, xịt và có tỷ lệ cũng khác nhau: 30, 40, 100%. Để chống muỗi dùng REPEL 30% là loại chai có 20 tờ giấy, lấy ra từng tờ để lau khắp người. Loại này chống vắt rất yếu.

  • REPEL 40% có chia làm 2 dạng xịt và kem bôi. Loại này chống vắt tốt.
  • REPEL 100% thì dĩ nhiên quá tốt, chỉ có ở dạng xịt. Tuy nhiên chai này rất nhỏ, chỉ khoảng 20ml.

Cuối cùng cho dù bạn có bôi các loại thuốc đi chăng nữa nhưng vẫn đừng bao giờ chủ quan với loại sinh vật nhỏ nhưng đáng sợ như vắt này. Các bạn cần nhớ hạn chế đi vào những chỗ ẩm ướt, không nên đứng lâu một chỗ mà hãy lien tục vận động, di chuyển, đi lại. Dọn sạch khu vực xung quanh điểm nghỉ chân của mình.

Cách phòng chống vắt:

Cũng tương tự như Cách phòng chống đĩa bên trên. Nhưng các bạn cần lưu ý thêm:

Trên các trang web có rất nhiều biện pháp và thuốc chống vắt được đưa ra. Về thuốc chống vắt ta có khá nhiều: xà phòng, dầu khuynh diệp, muối, vôi, dấm, chanh, thuốc DEP, thuốc chống côn trùng chứa hoạt chất DEET (N,N Diethyl Tolumaide) vv… Ngoài thuốc ra, ta có biện pháp che kín thân thể bằng tất, trùm ngoài ống quần. Hoạt chất DEET chống vắt rất hiệu quả và được sử dụng làm thành phần chính trong nhiều loại thuốc chống văt. Nếu bạn thấy thành phần DEET trong thuốc khoảng từ 20-50% là ổn nhất. Có loại mạnh hơn, chứa đến 80% DEET thì chống vắt tốt, nhưng có thể làm hỏng đồ nhựa, cao su.

Rất nhiều bạn phàn nàn sử dụng một số thuốc chống vắt (DEP, kể cả DEET vv..) không hiệu quả. Tôi cho rằng đó là do nhiều bạn đã sử dụng thuốc chưa đúng cách. Quả thực là vắt đeo bám dai và có thể tìm đường vượt qua ‘hàng rào thuốc’. Tuy nhiên để chống vắt hiệu quả, các bạn cần lưu ý một số kỹ thuật sau:

  • Bôi thuốc chống vắt bên trong: cả bàn chân cho đến gối (khi thời tiết khô), thậm chí cả phần đùi cho đến hông (khi có mưa), tai, cổ và vai, cánh tay, nách;
  • Bôi thuốc chống vắt bên ngoài: các khe buộc giây, cổ giày, tất, phần ống quần, vai áo, mũ. Bên ngoài bạn có thể dùng xịt muỗi cho dễ thao tác.
  • Cho ống quần vào trong tất. Bạn nên sử dụng loại quần vải 100% nylon mỏng, ít thấm, mau khô thì tôt hơn.
  • Chú ý phát hiện những con vắt bò trên quần, áo để búng đi. Đó là những con nguy hiểm vì chúng sẽ chui vào người qua thắt lưng, nẹp áo của bạn.
  • Khi phát hiện bị vắt cắn, nên loại bỏ nó càng sớm càng tốt.

Theo Kiến Thức Mẹo Vặt tổng hợp
(Các trang về Bác Sĩ và Sức Khỏe)